Dưa môn nước: Món ăn mộc mạc gắn liền tuổi thơ của người Nam bộ

11/04/2024 10:00

Trong ký ức làng quê Nam Bộ, kỷ niệm về cây môn nước đã đồng hành cùng nhiều gia đình khi trở thành món ăn cùng đi qua thời bao cấp khốn khó.

Về hình thức, cây môn ngọt (thường dùng để xào mỡ ăn cơm) và cây môn nước giống nhau đến 90%. Nó chỉ khác nhau ở chỗ môn ngọt có một chấm màu tím ở ngay cuống lá còn môn nước thì không và người ta chỉ trồng môn ngọt chứ chả ai trồng môn nước bao giờ.

Cây môn nước bị hắt hủi đến độ nó len lén mọc vài bụi chen lẫn với môn ngọt ở góc vườn, bờ mương cũng bị người ta cắt bỏ ngay để tránh nó lai giống với nàng môn ngọt kiêu kỳ. Lỡ ăn nhầm môn nước thì chỉ có nhập viện vì nhựa của nó gây ngứa, bỏng rát cổ họng dữ dội. Vì thế loại môn này còn có tên gọi khác là cây “môn ngứa”.

unnamed-1659

Môn nước đóng góp cho ẩm thực miền Tây món ăn lạ miệng

Thời bao cấp, việc nuôi vài con heo trong chuồng để cải thiện thu nhập là rất phổ biến. Nhưng thời điểm ấy, ngay cả con người còn phải ăn cơm độn khoai, độn bo bo thì tấm, cám nuôi heo không phải dễ tìm. Vì thế nhiều người nảy ra sáng kiến đi cắt môn nước về băm nhỏ, trộn lẫn với tấm cám để nấu cháo nuôi heo theo tỉ lệ 1 phần tấm cám, 9 phần môn nước. Tất nhiên, heo nuôi với cách như vậy thì rất chậm lớn, có khi cả năm chưa đầy tạ nhưng bù lại thịt nó thơm và bùi hơn heo nuôi bằng thức ăn công nghiệp bây giờ.

Tuy thân phận bọt bèo như thế nhưng cây môn nước cũng đóng góp cho ẩm thực miền Tây hai món đặc sản là dưa môn nước và cháo lươn nấu môn.

Để làm dưa môn nước, môn sau khi cắt về sẽ được rửa sạch đem phơi nắng cho héo. Sau đó được cắt ra thành những khúc nhỏ có độ dài khoảng vài lóng tay rồi đem ngâm nước muối qua đêm. Sáng hôm sau đem ra nhồi bóp, xả nước liên tục cho đến khi bẹ môn sạch hết chất nhựa. Công đoạn này phải làm thật kỹ bởi chỉ cần sót lại dù chỉ một chút nhựa môn thì chắn chắn cả mẻ dưa phải đem đi đổ bỏ.

img_5203-1700

Món dưa môn nước gắn liền với ký ức tuổi thơ của dân Nam bộ.

Khi những bẹ môn đã sạch nhựa hoàn toàn sẽ được cho vào chum rồi đổ nước vo gạo pha với muối loãng vào, nén chặt lại. Chỉ vài ngày sau là dưa “chín”, tỏa mùi thơm lừng.

Dưa môn nước dùng để nấu canh, kho cá đều ngon. Còn khi thắt ngặt thì chỉ cần dĩa dưa chua chua, giòn giòn cùng với chén nước mắm đồng dằm ớt hiểm bên nồi cơm bốc khói cũng đủ để lũ trẻ đang tuổi lớn ăn “thủng nồi, trôi rế”.

Riêng món cháo lươn nấu môn nước thì có nhiều “dị bản”, biến tấu khác nhau tùy địa phương. Tuy nhiên, nguyên liệu cơ bản để nấu món này vẫn là lươn và bẹ cây môn nước. Lươn được làm sạch, chặt khúc hoặc để nguyên con tùy thích. Bẹ môn cắt khúc, ngâm nước muối vài giờ rồi xả bằng nước lạnh, vớt ra để ráo (không cần phơi nắng hoặc nhồi bóp cho sạch nhựa như khi làm dưa). Sau khi hạt gạo trong nồi nở bung ra, người ta cho lươn vào, nêm nếm gia vị.

Giai đoạn cho bẹ môn vào nồi cháo đòi hỏi người nấu phải giữ ngọn lửa thật to (giảm lửa thì bẹ môn sẽ tiết ra gây ngứa) và đảo thật đều tay cho đến khi môn chín nhừ. Cháo lươn nấu môn nước có mùi thơm rất đặc biệt, kích thích vị giác. Ngoài việc là một món ăn ngon, theo Đông y cháo lươn nấu môn nước còn có tác dụng giải các chất độc tích tụ trong cơ thể nên mỗi năm nên ăn ít nhất một lần.

Bây giờ, rất ít người biết cách nấu món cháo lươn môn ngứa nên món ăn này hầu như không xuất hiện trong thực đơn của các nhà hàng, quán ăn. Chỉ khi về thăm một làng quê may mắn gặp được bà má Ba, má Bảy hiếu khách nào đó thì bạn mới có cơ hội thưởng thức lại món cháo trứ danh này.

Cho dù giá trị thẩm mỹ và bổ dưỡng không nhiều nhưng người Nam bộ vẫn thích thưởng thức những món ăn được chế biến từ môn bởi nó chất chứa bên trong là hương đồng cỏ nội, mang theo cả tấm lòng thơm thảo của những người phụ nữ quê nghèo.

Những món ăn đơn sơ từ cây môn nước bao đời nay đã thấm vào trái tim của mỗi người con xa xứ và dù đi đâu, về đâu họ vẫn luôn canh cánh trong lòng một nỗi nhớ không quên.

Thụy Vũ