1. Bánh xèo Quảng Hòa
Bánh xèo Quảng Hòa làm bằng gạo đỏ, hoa văn nổi đều, đơn giản nhưng phải đủ các món kèm theo: cá chuối, nộm, rau sống, bánh đa và nước chấm.
Bếp làm có thể tráng một lúc được nhiều khuôn. Bếp thật đỏ lửa mới bỏ khuôn lên, khi tráng bánh chú ý lửa thật đỏ và đều thì bánh mới nở dậy, có hình hoa văn. Khi khuôn đã nóng, dùng môi hay tàu chuối tẩm mỡ chà lên đáy khuôn rồi múc bột gạo tráng lên. Tráng đến khuôn thứ ba thì bánh khuôn đầu đã chín, cứ lần lượt làm như thế.
Bánh xèo ăn ngon nhất là lúc vừa tráng xong, tráng tới đâu ăn tới đó. Cầm miếng bánh trên tay, cảm nhận được sự nóng hổi của mùi thơm gạo lứt thì thật tuyệt vời.
2. Khoai dẻo
Từ khoai lang có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau từ bình dân đến sang trọng như khoai nướng, khoai chiên, khoai luộc, khoai nấu canh, khoai nấu chè, khoai làm bánh, làm mứt. Nhưng có lẽ đặc biệt nhất vẫn là món khoai deo, chế biến thật giản đơn và nhiều ý nghĩa.
Người ta thu hoạch khoai về, để một thời gian cho củ khoai tan bớt bột, rồi đem khoai đi luộc. Khoai luộc bóc vỏ, thái thành lát mỏng, đem phơi. Chế biến khoai deo phải những ngày nắng to, khoai mới nhanh khô và dẻo hơn.
Những lát khoai đạt thành phẩm, phải là những lát khoai khô, dẻo có màu đỏ vàng, trong và có vị ngọt. Người ở phương xa về, lúc ra đi, không ai mà không mang theo thứ khoai deo làm quà, hương vị rất riêng của Quảng Bình.
Những ngày mưa xa xứ, nằm nhâm nhi từng lát khoai deo, tận hưởng vị ngọt thấm dần vào nơi đầu lưỡi, nghe mưa rào rào bên ngoài, lại nao nao nỗi nhớ quê hương.
3. Bánh lọc bột sắn, tôm sông
Bánh lọc vốn từ trong Huế, Đông Hà ra rồi neo lại ở Quảng Bình, được bổ sung thêm hương vị mới, trở thành một món ăn đặc biệt nhất của tỉnh Quảng Bình. Không mấy ai qua Đồng Hới lại không muốn nếm thử và mua bánh làm quà.
Nguyên liệu của bánh lọc chỉ đơn giản là bột sắn lọc, tôm, mộc nhĩ và một ít gia vị khác của vườn nhà. Tôm dùng cho bánh chỉ là loại nhỏ ở cửa sông, vừa đậm vị phù sa của đồng, vừa mặn mòi vị biển.
Bột sắn sau khi đã lọc, đem luộc chín vài phần (khi nhìn thấy lớp ngoài trong suốt), phần nhân bên trong còn trắng, sồn sột sống. Vớt bột ra để nguội, đem nhồi kỹ trộn phần sống lẫn phần chín. Đây là thao tác công phu nhất của người làm bánh lọc.
Mỗi chiếc bánh bột lọc bọc một con tôm, ít lát thịt rim và gia vị, vắt thành hình một tai bèo nhỏ. Có thể đem trụng (nhúng) nước sôi ăn ngay hay gói lá chuối đem hông (đồ như đồ xôi), dành cho người mang đi xa.
Loại bánh gói này có thể để nhiều ngày, khi ăn, đem hấp lại cho nóng, vẫn thơm dẻo như bánh mới. Bánh lọc Quảng Bình được chấm với nước mắm chắt Quảng Bình với những lát ớt cay xé lưỡi mới càng đáng nhớ.
4. Đặc sản đẻn biển
Đẻn có hình dài như con rắn, trên mình có vằn, da rất nhám. Tiết đẻn là “món” đầu tiên, uống vào thấy trong lòng “xao xuyến”. Cắt một chút ở đuôi đẻn để lấy “tiết” cho chảy vào rượu. Hoặc có thể ngâm cả con đẻn vào bình rượu (rượu ngon), ngâm ba đến năm ngày là uống được.
Ram đẻn
Rượu tiết đẻn uống vào có vị hơi chát, ấm, là một loại thuốc chữa được bệnh đau lưng. Món Ram đẻn mới ngon. Đẻn làm sạch, lấy hết ruột và huyết đen trên sống lưng, bằm cả xương thật nhuyễn, cho các gia vị vào trộn đều, ướp một lúc, lấy ra cho vào bánh đa cuốn thành từng chiếc ram nhỏ, sau đó đưa lên chảo rán đều, mùi thơm không nhịn được.
Đẻn là đặc sản của biển Quảng Bình. Rượu đẻn, ram đẻn là “khoái khẩu” của người dân Quảng Bình. Món ngon đẻn không thể diễn tả hết bằng lời nhưng có thể nói hấp dẫn và không thể quên.
Nếu bạn đã một lần thưởng thức sẽ nhớ mãi vị đặc biệt của rượu “tiết” đẻn, hượng vị thơm ngon quyến rũ của ram đẻn. Ngồi bên bờ biển thư giãn giữa trưa hè hay đêm khuya với bạn hiền, chỉ cần mấy ly rượu đẻn, một đĩa ram đẻn còn nóng hổi với những lời tâm tình sâu lắng, đời sẽ vui và thú vị hơn.
5. Chép biển Quảng Bình
Chép thuộc họ ngao, hến ở biển. Hình dẹp mà thon, vỏ rất cứng, hoa văn đủ màu sắc trên nền trắng, đầu bụng lớn mà mập, đầu miệng nhỏ mà lép. Con to nhất bằng ngón tay cái, con nhỏ vừa ăn cũng bằng ngón tay út. Chiều dài con chép khoảng 3 cm, chiều rộng khoảng 2 cm.
Chép sống ở bãi biển. Người làng biển đợi thủy triều xuống cạn, đi theo bãi biển, cồn cát ven bờ lộ ra dưới chân sóng, dùng hai bàn chân cày xới xuống lòng cát tìm bắt. Năm nào rét đậm, chép càng béo, càng ngon, cho nên cứ sau tiết đông chí là mùa vụ của chép.
Muốn cho con chép sạch cát từ trong lòng nó, khi đem ở bãi về, người ta đổ chép vào một chậu nước muối, với độ mặn giống như nước biển, để yên lặng vài giờ, chép sẽ há miệng ra, lè lưỡi làm chầm bơi lội, thế là bao nhiêu cát trong bụng chép sẽ rơi ra ngoài, lắng xuống đáy chậu.
Chỉ cần một động chạm nhỏ ngoài thành chậu hoặc một xao động nhẹ trên mặt nước thì lập tức chép ngậm kín miệng ngay. Lúc đó, chỉ cần vớt chép vào rá, chúng ta sẽ có một rá chép sạch để đưa vào làm món ăn.
Khi lửa trong bếp đã đỏ đều, chúng ta chỉ việc cho mỡ vào chảo, đợi mỡ sôi kỹ, khử hành xong, đổ chép vào, trộn đều và chú ý xem chừng không cho chép chín quá, nứt vỏ ra sẽ mất ngon, và cũng cần nhớ không nên nhiều nước mắm quá vì món chép chiên rất cần nhạt và bản thân con chép đã mặn sẵn rồi.
Trước khi bắc chảo xuống cho thêm một ít tỏi và muốn cho chép không bị nứt vỏ, há mồm ra thì phải gạt bớt lửa sau khi trộn chép lần đầu.